>

Lai Châu nỗ lực giải bài toán thiếu giáo viên

Trước thực trạng thiếu gần 1.000 giáo viên so với chỉ tiêu biên chế giao,âunỗlựcgiảibàitoánthiếugiáoviê ngành giáo dục tỉnh Lai Châu đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục. Tuy nhiên, để khắc phục được triệt để tình trạng này vẫn là bài toán khó.

- "Nhà trường đang thiếu 3 giáo viên. Tuy nhiên, nhà trường đã sắp xếp, bố trí và ghép các cháu lại để tổ chức dạy học lớp ghép để đảm bảo đủ giáo viên trên lớp giảng dạy các cháu. Khó khăn là các lớp ghép nhiều, nên các cô phải dạy nhiều độ tuổi, nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục các cháu".

- "Nhà trường thiếu một số giáo viên đặc thù như giáo viên Tin học, tiếng Anh và Âm nhạc. Đối với giáo viên Tin học và Âm nhạc thì nhà trường cũng đã báo cáo, đề xuất với Phòng Giáo dục xin tăng cường các đơn vị bạn để đảm bảo các con được học các môn theo đúng chuyên ngành. Đối với môn tiếng Anh nhà trường cũng đã bố trí biên chế ở nhà trường để tham gia giảng dạy thêm".

Đó là thực trạng và giải pháp đang được Trường Mầm non Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn và Trường Tiểu học Quyết Thắng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu khắc phục trong đầu năm học này. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là các giải pháp tạm thời được các trường thực hiện nhiều năm nay. Việc thiếu trầm trọng giáo viên, nhất là đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới đang được các cấp, ngành địa phương nỗ lực khắc phục.

Năm học này huyện biên giới Sìn Hồ có trên 1.000 nhóm lớp và gần 25.700 học sinh, thuộc 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS, tại 63 đơn vị trường. Ngoài khó khăn chung của một huyện vùng cao, biên giới, địa bàn rộng, giao thông chia cắt, hiện nay ngành giáo dục địa phương đang thiếu 216 giáo viên so với chỉ tiêu biên chế giao. Để khắc phục tình trạng này, cùng với thực hiện các giải pháp trước mắt, các  trường vẫn phải trông chờ vào việc tuyển dụng giáo viên đầu năm học.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ cho biết: “Thiếu nhiều nhất là ở bộ môn tiếng Anh cũng như là Tin học cấp tiểu học và giáo viên cấp Trung học cơ sở. Hiện tại ngành cũng đã tham mưu với UBND huyện để tuyển dụng giáo viên. Sau khi mà có kết quả tuyển dụng, nếu được đúng nhu cầu tuyển dụng thì tốt, còn nếu như còn thiếu, chúng tôi sẽ tham mưu với huyện để hợp đồng ngắn hạn giáo viên, để đảm bảo cho hoạt động giảng dạy cũng như giáo dục đối với các đơn vị trường”.

Năm học này huyện Than Uyên có 35 đơn vị trường, với gần 18.000 học sinh. Thực trạng thiếu giáo viên tại địa phương tuy ít hơn, với gần 30 người, nhưng lại chủ yếu rơi vào các bộ môn nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới như Tin học, tiếng Anh. Việc thiếu giáo viên các bộ môn này đã ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu nâng cao chất lượng học sinh trên địa bàn. Mặc dù ngành giáo dục địa phương đã quyết liệt chỉ đạo khắc phục, nhưng để khỏa lấp được khoảng trống này vẫn chỉ là các giải pháp tạm thời.

“Để khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên ở bộ môn tiếng Anh, Phòng giáo dục cũng đã chủ động rất là sớm. Đối với cấp Tiểu học ngay từ tháng 3 chúng tôi cũng đã chủ động lựa chọn giáo viên dạy văn hóa có năng khiếu về tiếng Anh để chúng tôi thực hiện bồi dưỡng để có thể đứng lớp. Đối với cấp THCS chúng tôi cũng tham mưu với huyện để giao thêm nhiệm vụ cho những giáo viên ở các đơn vị khác đến để tổ chức dạy ở những đơn vị mà còn thiếu”, ông Vũ Minh Khuynh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên nói.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, hiện nay địa phương đang thiếu 827 giáo viên so với biên chế được giao, trong đó bộ môn tiếng Anh và Tin học thiếu gần 300 giáo viên. Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương là do thiếu nguồn tuyển; giáo viên xin nghỉ việc, chuyển vùng nhiều.

“Chúng tôi đã phối hợp với các huyện để rà soát, sắp xếp lại giáo viên, để đảm bảo có thể tăng cường, biệt phái, điều động những giáo viên ở những nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều. Rồi cũng chỉ đạo dồn học sinh ở những điểm trường nhỏ lẻ về các trường trung tâm có điều kiện đảm bảo để giảm số lớp. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các huyện về việc tính toán việc xây dựng đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116; rồi cũng tuyên truyền, khuyến khích những học sinh tốt nghiệp THPT để đi học các trường sư phạm, để tạo nguồn tuyển cho tỉnh Lai Châu trong thời gian tới”, ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết.

Hơn 151.000 học sinh, tại 337 trường học ở Lai Châu đã bước vào năm học mới, với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông mới. Thế nhưng, mục tiêu nay đang vấp phải khó khăn lớn là tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và với sự nỗ lực, linh hoạt của ngành giáo dục địa phương, hy vọng bài toán thiếu giáo viên sẽ được tháo gỡ sớm, để ngành giáo dục Lai Châu tập trung nâng cao chất lượng, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh.